Trước đó, Công ty Phục vụ Mặt đất Sài Gòn – SAGS cũng đã thiết lập một kỷ lục khác khi lượng cổ phần đặt mua gấp gần 15 lần lượng đấu giá. Các nhà đầu tư đặt thấp hơn mức 44.500 đồng đều không trúng giá.
Sáng nay (8/12), Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Công ty TNHH Phục vụ Mặt đất Sài Gòn – SAGS.
Có thể nói đây là phiên IPO “nóng nhất” nhất từ đầu năm khi lập 2 kỷ lục về tỷ lệ đặt mua so với lượng đấu giá – gấp 15 lần và kỷ lục về giá đấu bình quân, đạt 44.693 đồng/cổ phần, bằng 3,6 lần giá khởi điểm.
Có tổng cộng 254 nhà đầu tư đã đặt mua hơn 40,1 triệu cổ phần trong khi lượng đấu giá chỉ có 2,7 triệu cổ phần. Theo quan sát của chúng tôi, đã có nhiều nhà đầu tư đặt mua ở mức tối đa 2,7 triệu cổ phần.
Theo kết quả đấu giá được HoSE công bố, chỉ có 7 nhà đầu tư trúng giá với giá bình quân là 44.693 đồng/cổ phần. Giá đấu thành công thấp nhất là 44.500 đồng/cổ phần và giá đấu thành công cao nhất là 56.000 đồng/cp. Không có nhà đầu tư nước ngoài nào trúng giá.
Tổng giá trị cổ phần bán được là 120,9 tỷ đồng.
“Hàng hot” của ngành hàng không
SAGS là đơn vị thành viên thứ 2 của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) thực hiện IPO trong năm nay sau Công ty dịch vụ Hàng không sân bay Tân Sơn Nhất – SASCO.
Hoạt động chính của SAGS là cung cấp các dịch vụ mặt đất tại sân bay Tân Sơn Nhất như phục vụ hành khách, dịch vụ hành lý, phục vụ kỹ thuật sân đỗ máy bay… Tại sân bay Tân Sơn Nhất hiện còn Xí Nghiệp Thương Mại Mặt Đất Tân Sơn Nhất – TIAGS thuộc Vietnam Airlines cũng kinh doanh các dịch vụ mặt đất.
Sau cổ phần hóa, dự kiến ACV sẽ nắm giữ 51% cổ phần của SAGS. Bên cạnh số cổ phần đấu giá công khai, SAGS cũng sẽ chào bán một lượng cổ phần tương đương cho các nhà đầu tư chiến lược; một trong số này có hãng hàng không Vietjet Air.
Cơ cấu vốn điều lệ sau IPO của SAGS
Ba nhà đầu tư chiến lược dự kiến tham gia mua cổ phần gồm:
+ CTCP Đầu tư khai thác Cảng: 1,83 triệu cổ phần (13% vốn điều lệ)
+ CTCP Hàng không Vietjet – Vietjet Air: 562 nghìn cổ phần (4% vốn điều lệ)
+ CTCP Đầu tư & Thương mại Hoàn Lộc Việt: 316 nghìn cổ phần (2,25% vốn điều lệ).
Các cổ đông chiến lược được kỳ vọng sẽ hỗ trợ hoạt động kinh doanh của công ty sau cổ phần hóa.
Kế hoạch kinh doanh thận trọng
SAGS mới được chuyển đổi từ đơn vị hạch toán phụ thuộc ACV thành công ty TNHH từ đầu năm 2014 nên kết quả kinh doanh của các năm trước không hạch toán lãi/lỗ.
Nửa đầu năm 2014, công ty đạt 237 tỷ đồng doanh thu và 43 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Tỷ suất LNST trên vốn nhà nước đạt 42%.
Trong bản cáo bạch, SAGS đặt mục tiêu lợi nhuận khá khiêm tốn cho giai đoạn 2015-2017, với mức lãi chỉ dao động quang mức 45 tỷ đồng/năm, tương đương với kết quả đạt được trong nửa đầu năm 2014.
Tiếp sau Sasco và SAGS, dự kiến công ty Phục vụ Mặt đất Hà Nội (HGS) và công ty mẹ Tổng Công ty cảng Hàng không Việt Nam cũng sẽ tiến hành IPO trong thời gian tới, mở ra cơ hội rất lớn cho những nhà đầu tư quan tâm tới ngành hàng không.