Thursday , 5 December 2024

Cơ trưởng AirAsia ‘rời khỏi ghế’ trước tai nạn

Cơ trưởng của chuyến bay QZ8501 được cho là rời khỏi vị trí trước khi máy bay mất kiểm soát, ông trở lại ngay sau đó nhưng không kịp.
Indonesia chưa đưa ra kết luận chính thức nguyên nhân khiến chiếc máy bay của Air Asia rơi xuống biển cuối năm ngoái.
Indonesia chưa đưa ra kết luận chính thức nguyên nhân khiến chiếc máy bay của Air Asia rơi xuống biển cuối năm ngoái.

Cơ trưởng Iriyanto của chiếc Airbus A320 đã rời khỏi ghế và thực hiện “một thao tác lạ thường” khi cơ phó Remi Plesel không thể điều khiển. Lúc ông trở lại thì không còn kịp ngăn chiếc máy bay rơi xuống biển, Reuters dẫn tin từ hai người giấu tên liên quan đến việc điều tra cho hay.

Ông Iriyanto được cho là người kéo thiết bị giống như “cầu giao” để ngắt điện máy tính điều khiển máy bay, sau khi cùng cơ phó cố gắng điều chỉnh. Thao tác này tuy không trực tiếp khiến máy bay rơi nhưng loại bỏ “lớp bảo vệ” có khả năng ngăn phi công bay ra ngoài giới hạn an toàn, khiến cơ phó phải điều khiển bằng tay trong điều kiện ở tầng không khá cao.

Hành động “ngắt điện” khiến các chuyên gia khá ngạc nhiên vì thủ tục thông thường để khởi động lại máy tính điều khiển là ấn một nút trên bảng điều khiển phía trên đầu các phi công.

“Bạn có thể tái khởi động thiết bị điều khiển nhưng ngắt điện thì là điều rất bất thường. Bạn chỉ có thể ngắt điện trong trường hợp hoàn toàn là khẩn cấp, tôi không rõ lúc đó có phải tình huống ấy không nhưng việc này rất bất thường”, một phi công giấu tên nói.

Để thực hiện hành động ngắt điện, cơ trưởng phải rời khỏi ghế, vì thiết bị này ở ngay sau lưng cơ phó, khó mà chạm tới từ vị trí của ông Iriyanto, theo các chuyên gia hàng không.

Ngay sau đó cơ phó Plesel đưa máy bay bay lên cao đột ngột, “dường như ông ta quá ngạc nhiên hoặc bị giật mình vì động tác của cơ trưởng”. Ông Iriyanto cố kiểm soát máy bay nhưng lúc đó quá muộn, một người giấu tên liên quan đến điều tra cho hay.

Tuy nhiên các nhà điều tra hiện vẫn chưa xác nhận các hoạt động bên trong buồng lái trước khi chiếc máy bay của Air Asia rơi. Tatang Kurniadi, người đứng đầu Ủy ban An toàn Giao thông Indonesia (NTSC) cho hay không có sự chậm trễ trong việc cơ trưởng giành lại quyền kiểm soát máy bay, nhưng từ chối nói rõ thêm.

Những người liên quan đến việc điều tra nguyên nhân vụ tai nạn cảnh báo việc đưa ra các giả định khác nhau, vì cần được phân tích thêm.

Trong khi Pháp tuyên bố chính thức mở cuộc điều tra hình sự về tai nạn của QZ8501, sau khi có thông tin cơ phó là công dân nước này điều khiển phi cơ ngay trước thảm họa, gia đình anh đã đệ đơn kiện hãng AirAsia Indonesia vì “gây nguy hiểm tới tính mạng người khác” bởi hãng này không được phép khai thác chặng bay giữa Surabaya, Indonesia, và Singapore vào ngày xảy ra tai nạn.

Chiếc máy bay mang số hiệu QZ8501 rơi xuống biển Java hôm 28/12 khi đang trên đường từ Surabaya tới Singapore. Lực lượng tìm kiếm hiện mới trục vớt được 72 thi thể trong số 162 người thiệt mạng.

Call Now