Sunday , 15 December 2024

Để hàng không cất cánh

“Miếng bánh” hàng không đang hấp dẫn đầu tư khi danh sách các đơn vị xin mở đường bay tiếp tục nối dài. Tuy nhiên, “bánh” có thật sự ngon hay không vẫn còn là câu hỏi lớn bởi những vướng mắc về khung pháp lý, hạ tầng các sân bay chưa theo kịp với tốc độ đầu tư chung vào ngành hàng không…

Những năm gần đây, ngành hàng không luôn tăng trưởng nóng, đặc biệt năm 2016 có 50 triệu lượt khách qua các cảng hàng không Việt Nam, tăng 30% so với năm 2015. Sự bùng nổ hàng không giá rẻ đã khiến phương tiện đi lại hàng không trở nên thuận tiện và phổ biến hơn. Ước tính năm ngoái, có phân nửa hành khách qua các cảng là sử dụng các chuyến bay giá rẻ.

Các hãng hàng không cạnh tranh nhau bằng giá, mở ra nhiều đường bay nội địa mới, cũng từ đó nhu cầu đi lại bằng máy bay của người dân gia tăng nhanh chóng. Có đến hơn 15 triệu lượt khách đã chọn đi lại bằng hàng không giá rẻ, chiếm 55% tổng lượt hành khách vận tải trên đường bay quốc nội.

Theo các chuyên gia ngành hàng không, từ nay đến năm 2020, riêng doanh số hàng không giá rẻ có thể tăng 9 – 10% mỗi năm.

Sức hút từ sự… quá tải

Việt Nam nằm trong nhóm 5 thị trường có lượng khách di chuyển bằng đường hàng không cao nhất thế giới. Đặc biệt lượng khách nội địa không ngừng gia tăng. Theo Cơ quan Quản lý bay và điều hành không lưu Việt Nam, đường bay trục TP.HCM, Hà Nội xếp ở vị trí thứ 7 trong 10 đường bay đông đúc nhất thế giới, cũng là đường bay chủ yếu nhất của hoạt động hàng không quốc nội.

Cao điểm mỗi ngày có 700 chuyến bay khai thác trục này. Riêng điểm đến sân bay Tân Sơn Nhất có số lượng khách vượt tải: 32 triệu lượt khách/năm so với công suất thiết kế 25 triệu lượt khách/ năm.

Nhiều giải pháp được áp dụng trước sức ép quá tải. Ước tính nhu cầu của người dân đi lại trên các đường bay nội địa mùa hè năm nay tăng khoảng 30% so với bình thường. Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam chủ động tăng 4.700 chuyến bay cho mùa hè.

Trước đó Tân Sơn Nhất đã phải áp dụng phân khúc điều hành bay mới để hạn chế ùn tắc khiến nhiều máy bay phải bay chờ trên bầu trời trước khi hạ cánh. Tuy nhiên dưới mặt đất thì năng lực tiếp nhận của sân bay Tân Sơn Nhất không thể vượt qua mức 42 chuyến bay/giờ và đây là nguyên nhân dẫn đến việc có đến hàng trăm chuyến bay hủy chuyến mỗi ngày trong tuần lễ đầu tiên của tháng 6 này.

Hành khách được các hãng hàng không khuyến cáo check in tự động để giảm việc chờ đợi. Hiện nay tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất có 25 ki ốt check in trong nhà ga nội địa và 13 ki ốt trong nhà ga quốc tế.

Theo dự báo của Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA), Việt Nam được dự báo sẽ trở thành một trong những thị trường hàng không phát triển nhanh nhất thế giới. Từ giai đoạn năm 2014 – 2017, với tốc độ tăng trưởng hành khách quốc tế đạt 6,9% và vận chuyển hàng hóa quốc tế đạt 6,6% mỗi năm.

Ở thị trường nội địa, theo dự báo của Cục Hàng không, những năm tới tốc độ tăng trưởng vẫn giữ ở mức 2 con số. Trên những dữ liệu này, việc nhiều đại gia xin đầu tư hạ tầng hàng không hay Tập đoàn FLC lập hãng hàng không hoặc việc Air Asia lần thứ 4 tính chuyện thâm nhập thị trường Việt Nam không là chuyện lạ.

Tính toán tận dụng hạ tầng

Theo quy hoạch, đến năm 2020, Việt Nam sẽ phát triển, đưa vào khai thác tổng cộng mạng lưới gồm 26 cảng hàng không, trong đó có 10 sân bay quốc tế và 16 sân bay nội địa. Hiện tại, Việt Nam đang khai thác 21 cảng hàng không, nhưng chỉ có 2 sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất là khai thác hiệu quả, chiếm tới gần 75% lưu lượng khách.

Trong đó, sân bay Tân Sơn Nhất đang phải hoạt động hơn 110% công suất thiết kế. Thế nhưng, một số sân bay địa phương có công suất thấp như Phú Quốc chỉ hoạt động gần 38% công suất… và còn nhiều sân bay không hiệu quả như Cần Thơ, Cà Mau, Liên Khương, Tuy Hòa, Quy Nhơn… Liệu việc một số nhà đầu tư tập trung vào khai thác những đường bay này có đem lại hiệu quả cao khi mà các hãng đang tồn tại cũng không phát triển nổi vì lượng khách còn hạn chế?

Tuy nhiên, vẫn có hàng loạt hãng hàng không mở rộng đầu tư, xin gia nhập thị trường, thì bài toán hiệu suất khai thác đường bay hiện tại đang được các chuyên gia đặt ra. Ông Lương Hoài Nam – chuyên gia trong lĩnh vực hàng không từng đưa ra khuyến cáo, đối với đầu tư hàng không ở Việt Nam, các khó khăn về hạ tầng sân bay khá lớn. Nhà đầu tư cần phải quan tâm đến những vấn đề rất cụ thể: quầy làm thủ tục, phòng chờ, cửa ra máy bay, sân đỗ máy bay, nơi bảo dưỡng máy bay…

Bên cạnh đó, vấn đề cốt yếu dẫn đến tình trạng “chết yểu” mà trước đây đã có ít nhất 2 hãng hàng không gặp phải là do mô hình kinh doanh, cách chọn loại máy bay… chưa phù hợp với điều kiện thị trường hàng không Việt Nam.

Xu hướng thế giới là các máy bay hiện nay phải tăng tiện ích và tính an toàn, nên chuyển sang các loại máy bay thân rộng, cánh dài, là loại máy bay tầm trung và xa với từ 3.000km/đường bay trở lên. Nếu các máy bay này dùng cho đường bay ngắn như ở Việt Nam hiện nay thì quả là không hiệu quả, giống như dùng xe sang chạy taxi vậy.

Một ý kiến khác của lãnh đạo Cục Hàng không thì cho rằng nếu các hãng bay mới tránh sân bay Tân Sơn Nhất thì việc cất cánh sẽ không có vấn đề lớn. Chính lãnh đạo tập đoàn FLC với tên thương hiệu Bamboo Airways cũng đưa ra kế hoạch khai thác sau này là nhắm tới các đường bay từ quốc tế đến các điểm du lịch như Quy Nhơn, Phú Quốc thay vì các điểm nóng quá tải như sân bay Tân Sơn Nhất hay Nội Bài.

Thay vì tập trung vào các thành phố lớn vốn cơ sở hạ tầng hàng không đã quá tải, Bamboo Airways sẽ tập trung vào các tuyến bay thẳng từ quốc tế tới các điểm du lịch Việt Nam như Quy Nhơn, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nha Trang… và các đường bay trong nước, nhằm kết nối các điểm du lịch như đường bay Thanh Hóa – Quy Nhơn, Thanh Hóa – Phú Quốc, Thanh Hóa – Nha trang, Hải Phòng – Quy Nhơn. Tập đoàn này kỳ vọng đến cuối năm 2018, Bamboo Airways sẽ bắt đầu khai thác bay thương mại.

Lê Đăng Doanh đánh giá, khắc phục quá tải thì mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất chỉ là giải pháp tạm thời. Nếu xét về tính an toàn thì còn nhiều rủi ro. Nếu có chính sách tháo gỡ 3 nút thắt sau thì đầu tư hàng không sẽ có bước nhảy vọt: thứ nhất, nhanh chóng thành lập sân bay quốc tế Long Thành sẽ khai thác tối đa hiệu suất bay như đảm nhận các chuyến bay trung chuyển. Khai thác chuyến bay thẳng. Thứ hai, rà soát chọn lọc đầu tư vào một số cảng lâu nay phải bù lỗ, tránh đầu tư phân tán, dàn trải. Thứ ba, tăng kết nối với đường bộ, nhất là với những tuyến đường có cự ly đến 500km, ngành đường sắt nâng tầm chất lượng và dịch vụ…

Call Now