Sunday , 15 December 2024

Đều dự kiến bay năm 2018, liên doanh của AirAsia tại Việt Nam và Bamboo Airways có điểm gì đặc biệt?

Liên doanh hàng không của doanh nhân Trần Trọng Kiên và AirAsia dự kiến sẽ cất cánh vào đầu năm 2018. Trong khi đó, hãng hàng không Tre Việt của Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết lên kế hoạch cho cuối năm 2018.

Trong tháng 7 này, ông Trần Trọng Kiên – Chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh sẽ sang Malaysia để tham dự một khóa tập huấn của AirAsia. Theo dự kiến, ông Kiên sẽ trở thành CEO của hãng hàng không liên doanh với AirAsia. Liên doanh này có phần vốn góp 70% từ phía Việt Nam (do Tập đoàn Thiên Minh, và một số cá nhân, tổ chức tham gia) và 30% của AirAsia.

Trao đổi với báo điện tử Trí thức trẻ, ông Kiên cho biết, hãng bay mới dự kiến sẽ cất cánh vào đầu năm 2018 và tập trung vào các đường bay quốc tế, với thời gian bay dưới 4 giờ. Mô hình của AirAsia Việt Nam là hàng không giá rẻ với các kỹ năng điều hành và khả năng trải nghiệm bay của một hãng hàng không giá rẻ đã nổi tiếng khắp châu Á. Các máy bay được sử dụng sẽ chủ yếu là Airbus 320 và 321.

Trước đó, ông Kiên là người đứng tên thành lập Công ty TNHH Gumin để có pháp nhân liên doanh với AirAsia thông qua công ty con là AirAsia Investment. Còn AirAsia đã 3 lần muốn “đặt chân trực tiếp” vào thị trường Việt Nam nhưng bất thành và liên doanh với doanh nhân Trần Trọng Kiên là lần thứ 4. Nếu muốn bay quốc tế, vốn điều lệ của liên doanh mới tối thiểu phải đạt 700 tỷ đồng.

Về khả năng bay vào đầu năm 2018, ông Trần Trọng Kiên cho biết “sẽ thực hiện được” vì trước đó đã có kinh nghiệm trong việc chuẩn bị các thủ tục, cơ sở vật chất cho một hãng bay (Hải Âu). Chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh dự kiến liên doanh này sẽ bắt đầu có lãi sau 3 năm hoạt động.

Trong khi đó, một hãng bay mới dự kiến được thành lập khác là Bamboo Airways của Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết lại dự kiến cất cánh vào cuối năm 2018. Với số vốn điều lệ 700 tỷ đồng, Bamboo Airways dự kiến là một hãng bay lai (hybrid – nằm giữa hàng không truyền thống và giá rẻ).

Tương tự như liên doanh của AirAsia tại Việt Nam, hãng bay lai cũng tập trung vào các tuyến quốc tế nhưng điểm đến không phải là Hà Nội và TPHCM. Thay vào đó, các chuyến bay đưa khách thẳng tới các điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam mà Tập đoàn FLC hiện đầu tư các khu nghỉ dưỡng lớn như Quy Nhơn, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Phú Quốc, Nha Trang…

Hiện tại, Bamboo Airways mới đang trong quá trình lập đề án với công ty sở hữu là Công ty TNHH hàng không Tre Việt. Tổng giám đốc dự kiến của hãng bay lai là ông Đặng Tất Thắng (hiện là Phó tổng giám đốc Tập đoàn FLC). Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết cho biết, tập đoàn này đang làm việc với Airbus để thuê 7 máy bay cho Bamboo Airways vào năm 2018 và sẽ tăng lên trong năm 2019.

Song song với kế hoạch với Airbus, FLC cũng dự kiến đặt mua 10 máy bay 737 Max 9 và 5 máy bay 777X của Boeing cung cấp. Boeing 737 MAX 9 thuộc dòng máy bay thương mại một lối đi có sức chứa khoảng 185 khách, còn Boeing 777X nằm trong phân khúc máy bay thân rộng, hai động cơ, có sức chở lớn trên 300 hành khách. Nếu thương vụ hoàn tất, Bamboo Airways sẽ sở hữu 10 máy bay Boeing 737 Max 9 trong giai đoạn ‎2018- 2020. Riêng 5 máy bay Boeing 777X sẽ được bàn giao từ 2020 trở đi nhằm phục vụ các đường bay quốc tế.

Hiện tại, thị trường hàng không Việt Nam có 3 hãng bay: Vietnam Airlines (gồm Vietnam Airlines, Jetstar và Vasco), Vietjet và Hải Âu. Trong số này Hải Âu thuộc diện hàng không chung và chỉ là một hãng rất nhỏ, ở thị trường ngách. Trong khi Vietnam Airlines và Vietjet cạnh tranh với nhau rất quyết liệt trên các tuyến nội địa, đường bay quốc tế vẫn là một thị trường còn nhiều khoảng trống. Theo thống kê gần đây (6 ngày Tết), ở các chuyến bay quốc tế với 481.625 lượt khách đến/đi từ Việt Nam, Vietnam Airlines chiếm 22,4% thị phần, Jetstar Pacific chiếm 3%, Vietjet chiếm 10%, còn lại thuộc về các hãng hàng không nước ngoài.

Call Now