Sunday , 15 December 2024

Hành vi gây mất an toàn hàng không ngày càng tăng

Hành vi gây mất an toàn hàng không ngày càng tăng

Mang vũ khí, doạ có bom, thả diều, đốt rác… và cả những vụ trộm cắp tài sản của hành khách trên máy bay trong năm 2014 đều tăng, uy hiếp an toàn hàng không.

Chiều 21/1, trong buổi tọa đàm về “Văn hóa an toàn hàng không”, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam cho biết hành vi mang vũ khí, vật phẩm nguy hiểm công cụ hỗ trợ đi tàu bay đã tăng từ 94 lên 131 vụ; tung tin có bom từ một lên 8 vụ; mở cửa thoát hiểm 2 vụ…

Theo đại diện Vietnam Airlines, năm qua có đến 20 vụ khách trộm cắp trên máy bay, tăng 8 vụ so với năm trước chủ yếu xảy ra trên các chuyến bay đi quốc tế trong khu vực và một số chuyến bay nội địa. Kẻ xấu thường đi theo những người ăn mặc sang trọng đến quầy làm thủ tục để xem ghế ngồi của họ. Sau đó chúng sẽ lên máy bay trước và bỏ đồ của mình vào ngăn hành lý của vị khách mà chúng theo dõi.

“Vị khách sang trọng lên máy bay, thấy có người đã để hành lý chung khoang với mình sẽ không nghi ngờ khi có người lạ đến lấy đồ. Sau khi lấy được tài sản, kẻ xấu thường giấu trong toilet để đồng bọn vào lấy”, đại diện Vietnam Airlines nói và cho biết năm qua đã bắt quả tang một người lấy cắp 49.500 USD của hành khách người Nhật Bản bằng thủ đoạn này.

Người thanh niên (áo trắng) bị khống chế cùng hành lý xách tay nghi có bom. Chỉ vì câu nói đùa của người này, chuyến bay VJ8571 từ Hà Nội đến Nha Trang của Vietjet Air đã bị trễ 3 giờ.
Người thanh niên (áo trắng) bị khống chế cùng hành lý xách tay nghi có bom. Chỉ vì câu nói đùa của người này, chuyến bay VJ8571 từ Hà Nội đến Nha Trang của Vietjet Air đã bị trễ 3 giờ.

Trong khi đó, theo Công ty CP Hàng không Jetstar Pacific Airlines Việt Nam, trong năm qua có đến 57 vụ liên quan đến an ninh an toàn bay. Trong đó, có đến 29 vụ (chiếm 51%) khách hút thuốc trên máy bay; 17 vụ (30%) khách gây rối tại quầy thủ tục và trên máy bay; 4 vụ khách lấy trộm áo phao trên máy bay; hành vi sử dụng điện thoại (2 vụ); khách say rượu và không làm chủ được hành vi (2 vụ)…

Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Phước Thắng, Thường trực Ban chỉ đạo cuộc vận động nâng cao nhận thức về văn hóa an toàn hàng không giai đoạn 2014-2020 cho rằng, đảm bảo an toàn hàng không không thể thiếu yếu tố ý thức chấp hành quy định của người dân tại khu vực lân cận cảng hàng không, sân bay, người sử dụng dịch vụ của ngành hàng không.

“Một cánh diều, một sự thâm nhập vô ý thức vào khu vực bay có thể dẫn đến thảm họa lớn cho ngành hàng không. Một sự tò mò đối với thiết bị cứu nạn, sự vô ý thức, không chấp hành các quy định về an toàn bay có thể dẫn đến việc uy hiếp an toàn của cả chuyến bay”, ông Thắng nói.

Dẫn chứng cho hành vi liên quan đến việc mất an toàn bay trong năm 2014, ông Thắng cho biết sự cố mất điện hơn 30 phút tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TP HCM) đã làm ngưng trệ toàn bộ mọi hoạt động bay, đặc biệt uy hiếp trực tiếp đến an toàn hàng không nghiêm trọng và đây cũng là lần đầu ghi nhận sự cố hy hữu này.

Còn liên quan đến ý thức con người, vài năm trước có nhóm thanh niên đá bóng ngay khu vực sân bay, lực lượng an ninh sân bay phát hiện đã yêu cầu ra khỏi khu vực thì bị nhóm này đập vỡ mảnh chai ném vào trong khu vực sân bay, rất may không có sự cố nào xảy ra.

Tương tự, Phó Ban an ninh an toàn Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam Đặng Quốc Bảo cũng đưa ra một số vụ việc liên quan đến ý thức chấp hành kém của người dân như ở Đà Nẵng, người dân thả diều gần khu vực bay nên máy bay phải bay vòng lại vì không thể hạ cánh. Một số cảng hàng không tại miền Trung thì người dân còn chăn nuôi bò, dê gần khu vực sân bay, dù lực lượng an ninh sân bay luôn túc trực xua đuổi nhưng nếu không có lực lượng an ninh người dân lại tiếp tục thả gia súc vào khu vực sân bay. Hoặc họ đốt rơm, rác, vật gây khói ở quanh cảng hàng không gây ảnh hưởng đến tầm nhìn… “Tất cả những hành vi này đều có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn hàng không”, ông này cho biết.

Về nguyên nhân tăng các hành vi này, ông Phạm Chí Cường, đại diện Vietnam Airlines, cho là do văn hóa nhận thức của một bộ phận hành khách đi máy bay chưa cao; công tác tuyên truyền, cảnh báo về an ninh an toàn bay cho hành khách vẫn chưa được chú trọng đúng mức; công tác phối hợp giữa các bộ phận liên quan đến kiểm soát hành khách chưa chặt chẽ.

Để nâng cao văn hóa an toàn hàng không, giảm thiểu những hành vi gây ảnh hưởng đến an toàn hàng không, TS Lương Hoài Nam cho rằng các đơn vị quản lý, các hãng hàng không cần nâng cao chất lượng nhân viên, tăng cường chất lượng chuyên môn, đồng thời hiện đại hóa các hệ thống kiểm soát nhân viên hàng không và hành khách.

“Bên cạnh đó, cần tuyên truyền sâu rộng đến người dân về việc bảo đảm an toàn hàng không cũng như các biển cảnh báo ‘cấm’ trên máy bay và tại sân bay cần ghi kèm mức xử phạt tiền để hành khách biết và không vi phạm”, ông Nam đề nghị.

Call Now