Theo CNN Travel, con tàu lao vun vút về phía trước, băng vỡ vụn bên dưới mũi tàu. 250 hành khách trên tàu thản nhiên ra ban công và nghiêng người qua thành boong để xem chuyện gì đang xảy ra.

Không hề có cảnh chen chúc xuống xuồng cứu sinh như những gì từng xảy ra với con tàu xấu số Titanic. Thay vào đó, hành khách lần lượt bước xuống cầu thang, để bắt đầu đi dạo trên băng.

Du khách đổ xô tới Nam Cực. Ảnh: Andrew Peacock

Cú đâm trên không phải một tai nạn vô tình mà là một trải nghiệm được lên kế hoạch từ trước. Ban tổ chức còn chuẩn bị sẵn những chiếc bàn xếp đầy ly sâm panh để chào đón các du khách đến Nam Cực.

Trong số những hành khách hôm đó có cặp đôi Greg và Susana McCurdy đến từ Las Vegas (Mỹ). Cầm ly sâm panh, nhà McCurdy tạo dáng chụp ảnh với một chiếc khăn in dòng chữ “Lục địa thứ 7 – Nam Cực 2024”. 

Vợ chồng McCurdy chụp ảnh kỷ niệm ở Nam Cực. Ảnh: Jason Evans

Làn sóng du lịch đến Nam Cực đã bắt đầu từ trước Covid-19. Hiệp hội Các nhà điều hành tour du lịch Nam Cực quốc tế cho biết, đầu những năm 1990 chỉ có khoảng 7.000 lượt khách tới “lục địa trắng” mỗi năm.

Tuy nhiên, con số này đã bùng nổ trong khoảng nửa thập kỷ qua. Năm nay, lượng khách tới Nam Cực đã vượt mốc 122.000 lượt.

Việc du lịch tới lục địa lạnh nhất Trái đất trước đây không phải là điều gì đó xa xỉ như ngày nay. Du khách thường di chuyển bằng các tàu phá băng cũ của Nga, Canada hay các quốc gia vùng cực.

Robin West, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành các chuyến thám hiểm của Seabourn, đã đến khu vực khắc nghiệt này vào năm 2002. Ông cho biết, nhiều tàu khi đó được trang bị giường tầng, phòng tắm chung.

Rất ít tàu có cửa sổ để nhìn ra bên ngoài. 

Seabourn Pursuit sử dụng mũi tàu để cắt băng ở Nam Cực. Ảnh: Jason Evans

Trải nghiệm ngày nay có nhiều sự khác biệt.

Colleen McDaniel, Tổng biên tập của Cruise Critic, cho biết gần đây các hãng tàu như Ponant, Silversea, Seabourn và Scenic có những bước tiến lớn khi cung cấp trải nghiệm xa xỉ cho du khách đến vùng nam cực.

Họ cung cấp các phòng hạng sang trên tàu, dịch vụ ăn uống cao cấp và cả spa. Nếu muốn xuống tàu ngầm hoặc khám phá vùng biển Nam Cực bằng thuyền kayak, khách cần trả thêm một khoản tiền.

Hành khách được cung cấp quần áo chống lạnh có thiết kế đặc biệt để giữ ấm khi đi lang thang giữa những con chim cánh cụt, hải cẩu.

Các hãng tàu Celebrity, Norwegian và Princess cung cấp thêm các tour tham quan mới cho phép du khách ngắm Nam Cực ngay trên tàu mà không phải đặt chân trực tiếp xuống vùng đất băng giá này.

Động vật hoang dã là điểm thu hút lớn trong các chuyến du ngoạn Nam Cực. Ảnh: Jason Evans

Trước làn sóng du lịch Nam Cực gia tăng, một số chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo về những tác động đối với môi trường.

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature năm 2022 chỉ ra rằng tuyết ở Nam Cực tan nhanh hơn là do lượng du khách đến lục địa này.