Trong căn bếp nhỏ của gia đình anh Jens thường xuất hiện các món ăn Việt Nam như phở, thịt kho, bún cá,…
Jens Berhausen (49 tuổi, kỹ sư cơ khí) từng có mối lương duyên với một người phụ nữ Việt. Anh hiện sống cùng 2 con ở thành phố Mainz, Đức. Jens đã đến Việt Nam 3 lần, lần đầu tiên là vào năm 2009.
Trong những chuyến đi đó, anh đã có cơ hội trải nghiệm nhiều phong cách ẩm thực khác nhau với đủ món ngon 3 miền, từ phở Hà Nội, bánh đa cua Hải Phòng cho đến bún cá Nha Trang, bánh mì TPHCM.
Vì tình yêu dành cho ẩm thực Việt, cũng như muốn các con có sự kết nối với văn hóa, truyền thống của quê ngoại, anh Jens đã quyết định học nấu các món ăn mang đậm nét đặc trưng của mảnh đất hình chữ S.
“Tôi vẫn nhớ như in lần đầu tiên thưởng thức món ăn Việt Nam là trong một bữa cơm gia đình với các món truyền thống như canh, thịt ba chỉ luộc, rau và cá kho”, Jens kể.
Chia sẻ với PV VietNamNet, Jens bày tỏ ấn tượng với ẩm thực Việt bởi “mỗi vùng miền lại có nét đặc trưng riêng” và “mỗi món ăn đều được chế biến công phu từ nguyên liệu đến hình thức”.
Theo kỹ sư U50, việc nấu món ăn Việt không quá khó nhưng để hoàn thiện một món ăn phức tạp cần có thời gian, từ việc mua nguyên liệu đến phối hợp chuẩn bị, chế biến.
Đồng thời, anh cũng phải hiểu được vai trò của từng nguyên liệu, gia vị trong mỗi món và phối hợp chúng sao cho hài hòa.
Mâm cơm ngày Tết mang đậm văn hóa Việt Nam được ông bố người Đức tự tay thực hiện
Bên cạnh đó, món Việt thường được chế biến theo nhiều kiểu, với hương vị khác nhau nên kỹ sư cơ khí người Đức cũng phải dành thời gian tìm kiếm đủ nguyên liệu khi muốn nấu một món nào đó.
“Ở Đức có nhiều cửa hàng bán thực phẩm Việt nhưng đôi khi, tôi cũng phải tốn hai, ba lần đi tìm mua nguyên liệu và nấu thử mới ra được món ăn hoàn chỉnh, có mùi vị đúng như mong muốn.
Thậm chí có món, tôi mất 5 – 6 tiếng mới hoàn thành, bao gồm cả công đoạn chuẩn bị nguyên liệu”, anh nói thêm.
Tính đến nay, Jens đã nấu thành thạo được khoảng 50 món ăn Việt Nam, từ món đơn giản cho đến phức tạp như bánh mì, chả giò, bún bò, bún thịt nướng, phở, bánh cuốn,…
Dù công việc bận rộn nhưng anh cố gắng nấu món Việt mỗi tuần 2 lần để làm mới bữa ăn cho gia đình cũng như giúp 2 con có thêm sự kết nối sâu sắc với văn hóa, ẩm thực Việt.
Thậm chí, vào dịp lễ, Tết theo phong tục của người Việt Nam, ông bố người Đức cũng chuẩn bị mâm cỗ cùng các con, nấu những món như thịt gà luộc, nem, bánh chưng, xôi gấc,…
Kỹ sư 49 tuổi thừa nhận, món ăn Việt Nam rất đa dạng, trong đó, anh thích nhất là phở, bún bò Huế và bánh đa cua Hải Phòng.
Những ngày mới tập nấu, để có món phở chuẩn vị, anh phải tìm đến nhà hàng của người Việt học hỏi, kết hợp xem nhiều video hướng dẫn cách chế biến trên mạng xã hội rồi thử nghiệm một số công thức.
Sau hơn 10 lần vào bếp, cuối cùng anh cũng hoàn thành được món phở ưng ý, có hương vị gần giống món phở từng ăn ở Việt Nam.
Với nước dùng của phở, Jens ninh xương bò 3 – 4 tiếng, thêm một vài gia vị như gừng, hành tím, rau mùi, hồi, quế, hạt tiêu,… cho dậy mùi thơm. Anh cũng làm thêm tương ớt và tỏi ngâm để ăn kèm.
Ông bố U50 còn chăm chỉ học tiếng Việt. Jens cho biết, anh tự trau dồi tiếng Việt qua sách vở, YouTube, Instagram, internet cũng như từ việc hát karaoke hay giao tiếp với bạn bè người Việt.
Ảnh: Jens Berhausen