Sự phát triển mạnh mẽ của thị trường hàng không khu vực châu Á – Thái Bình Dương là xu hướng các hãng hàng không đều thấy được và đều có những dự báo tích cực.
Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn là phát triển ngành hàng không không phải là của một hay hai hãng hàng không, mà là sự liên quan của nhiều bên.
Phát triển ngành hàng không cũng không đơn giản là làm một cái máy bay tốt hơn, mà còn là của một hệ thống vận hành liên quan như xây dựng sân bay, sự kết nối giữa các sân bay, máy bay, đường bay, các khu vực kiểm soát không lưu, khi mà máy bay bay từ quốc gia này sang quốc gia khác, thị trường này hay thị trường khác.
Một điểm nữa, khi sự đi lại bằng đường hàng không trở lên thoải mái hơn, càng đòi hỏi các quốc gia trong khu vực cần có sự phát triển liền mạch, kết nối với nhau.
Chẳng hạn, Honeywell đang cung cấp hệ thống SmartPath cho sân bay ở Thượng Hải cũng như đang xây dựng và phát triển dịch vụ cho 2 sân bay mới nhất ở Myanmar. Thượng Hải là một trong những sân bay đông khách nhất thế giới, còn Myanmar là những sân bay mới và quy mô nhỏ.
Hiện tại, nhìn vào những nỗ lực của các hãng hàng không như Vietnam Airlines, hay Vietjet Air và kế hoạch đầy tham vọng của Chính phủ Việt Nam trong việc mở rộng và xây mới hệ thống sân bay, thì tương lai ngành hàng không Việt Nam đang rất rộng mở. Là một hãng hàng không non trẻ, chỉ mới thành lập năm 2007, nhưng VietJet Air đã rất nhanh chóng phát triển.
Tính đến thời điểm này đã vận chuyển gần 8 triệu lượt hành khách, trong đó người ta tính được khoảng 2 triệu người chưa từng đi máy bay. Sự phát triển hàng không của Việt Nam là rất giàu tiềm năng, nhất là trong thời gian gần đây, đã tiếp tục chọn mua các loại máy bay hiện đại nhất hiện nay, như Boeing 777, Airbus A330, Airbus A321…
Bên cạnh đó, các hãng hàng không Việt Nam đầu tư công nghệ để cung cấp những giải pháp sử dụng đội bay an toàn, hiệu quả nhất. Chẳng hạn, thiết bị dẫn đường vệ tinh ngoài khả năng dẫn đường còn có thể cảnh báo nguy cơ có thể xảy ra sự cố trong khoang phi công hay hệ thống phụ trợ không lưu, đảm bảo cho việc vận hành chuyến bay một cách an toàn nhất.
Một trong những hạn chế của ngành hàng không Việt Nam chính là cơ sở hạ tầng vẫn còn trong quá trình phải hoàn thiện. Tuy nhiên, những non yếu này có thể được khắc phục phần nào thông qua việc áp dụng những công nghệ hàng không hiện đại nhất hiện nay nhưng được vận hành phù hợp với điều kiện sân bay, con người của Việt Nam.
Bên cạnh đó, một số hãng hàng không chọn lựa giải pháp sử dụng động cơ phụ dành cho các máy bay. Động cơ phụ cung cấp nguồn điện chính hoặc dự phòng cho buồng lái và thủy lực trong suốt chuyến bay. Trong quá trình bay, động cơ phụ cũng hỗ trợ máy bay sử dụng ít nhiên liệu hơn, mang lại hiệu quả tốt hơn cho việc vận hành của máy bay cũng như giảm khí thải CO2 ra môi trường.
Một sân bay cùng lúc có tới vài chục máy bay lên xuống, nếu có sự cố, không ai có thể nói trước về hậu quả. Những sự cố gần đây của các hãng hàng không Việt Nam, như phi công bấm nhầm nút, mất điện trạm kiểm soát không lưu… là những bài học cho các nhà quản lý sân bay.
Họ phải sớm nghĩ đến việc đưa ra ngay giải pháp công nghệ cho những vấn đề này, bảo đảm kiểm soát được an toàn mọi chuyến bay. Việc áp dụng công nghệ cũng như có kế hoạch xử lý sự cố rất quan trọng.
Ví dụ như hệ thống SmartPath hỗ trợ kiểm soát không lưu là công nghệ sử dụng rất ít điện năng, khi sự cố mất điện, hệ thống pin dự phòng có thể chạy 5 – 6 giờ, đủ để xử lý vấn đề liên quan. Thậm chí, ngay cả khi pin dự phòng hết, chỉ cần một máy phát điện nhỏ có thể tiếp tục hỗ trợ để hệ thống SmartPath tiếp tục hoạt động bình thường đảm bảo vận hành an toàn, không bị ngắt quãng.
Các thương vụ gần đây của các hãng hàng không của Việt Nam cho thấy sự nhận biết cũng như quyết tâm ứng dụng những công nghệ hàng không hiện đại nhất của lãnh đạo các hãng hàng không Việt Nam rất cao. Nhưng điều quan trọng hơn là họ phải hiểu tầm quan trọng của áp dụng một hệ thống đồng nhất từ sân bay, cơ sở vật chất phục vụ cho ngành hàng không đến dịch vụ đi kèm.