Saturday , 2 November 2024

Thảm họa IR655 290 người thiệt mạng: Máy bay dân sự bị hệ thống Aegis nhầm lẫn là phi cơ chiến đấu

Chuyến bay Iran Air IR655 trúng tên lửa của Mỹ khiến 290 người trên máy bay thiệt mạng nhưng nó cũng là nạn nhân của xung đột chính trị giữa Mỹ và Iran những năm 1980.

Ngày 3/7/1988, cách đây 29 năm, máy bay chở khách Airbus A-300 203 B2, số hiệu IR655, tên đăng ký quốc tế EP-IBU của hãng hàng không Iran Air bị bắn hạ trên vịnh Ba Tư. 274 hành khách cùng 16 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng.

Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế ICAO xếp vụ bắn nhầm này vào hạng thứ 9 trong những thảm họa hàng không tồi tệ nhất lịch sử. Thủ phạm gây ra thảm kịch là tuần dương hạm USS Vincenne (CG-49), lớp Ticonderoga, một trong những chiến hạm hiện đại nhất thời điểm đó.

Những ẩn số

Chuyến bay IR655 có lộ trình từ sân bay Bandar Abbas trong hành trình đến Dubai, UAE. Ngay khi vừa cất cánh, chiếc A-300 lọt vào phạm vi kiểm soát của radar Aegis trên tuần dương hạm USS Vincenne. Thủy thủ đoàn tàu CG-49 nói rằng họ đã cố gắng liên lạc với chuyến bay xấu số 7 lần trên tần số khẩn cấp quân sự và 3 lần trên tần số dân sự nhưng không nhận được phản hồi.

Trong khi đó, chiếc A-300 không được trang bị các thiết bị có thể tiếp nhận tín hiệu liên lạc quân sự. Ê kíp chiến đấu trên tuần dương hạm USS Vincenne cho rằng chiếc A-300 đang bay trên đầu họ là một tiêm kích F-14 Tomcat của Không quân Iran.

Hạm trưởng William C. Rogers III cho rằng chiếc A-300 đang bay là “một mối đe dọa” nên đã ra lệnh phóng 2 tên lửa đối không SM-2MR về phía chiếc phi cơ này. Tuy nhiên, dữ liệu từ hệ thống chiến đấu Aegis cho thấy chiếc A-300 đang lấy độ cao để bay lên chứ không giảm dần độ cao, điển hình của một cuộc tấn công từ trên không.

Năm 2000, BBC đã công bố một tài liệu từ chính phủ Mỹ cho hay ê kíp chiến đấu trên tàu USS-Vincenne đã chịu rất nhiều áp lực bởi tình hình xung quanh. Tuy nhiên, mối nguy hiểm mà chiếc A-300 tạo ra cho họ rất mơ hồ và không hợp lý khi đối chiếu với lời giải thích của hạm trưởng Rogers III.

Bản báo cáo điều tra chỉ công bố một phần vào năm 1988, phần còn lại công bố vào năm 1993. Điều đó cho thấy những khuất tất trong vụ bắn nhầm này. Ngoại trưởng Iran lúc đó là  Ali Akbar Velayati đã nói với Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc rằng vụ tấn công của Mỹ “không thể là một sai lầm mà đó là một hành vi phạm tội”.

Nạn nhân của xung đột chính trị

Theo một số nhà phân tích, bỏ qua vấn đề kỹ thuật hay sự nhầm lẫn của con người, chuyến bay IR655 rõ ràng là nạn nhân của những xung đột chính trị giữa Mỹ và Iran những năm 1980.

Kenneth Pollack, cựu chuyên gia phân tích của Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) lập luận rằng cuộc Cách mạng Iran, chiến tranh Iran – Iraq đã khiến mối quan hệ Iran – Mỹ xấu đi rất nhiều. Tình hình trở nên nghiêm trọng hơn kể từ năm 1984, khi Iran mở rộng các hoạt động tấn công tàu chở dầu Iraq qua eo biển Hormuz.

Hải quân Mỹ lập tức tiến hành các chiến dịch bảo vệ tàu chở dầu đi qua eo biển Hormuz cũng như vịnh Ba Tư. Tháng 9/1987, Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ ban hành thông báo NOTAM, một báo cáo gửi cho cơ quan hàng không để cảnh báo các phi công về mối nguy hiểm tiềm năng trên đường bay.

Hải quân Mỹ cảnh báo tất cả các quốc gia Vùng Vịnh rằng, các máy bay dân sự phải sử dụng liên lạc VHF ở tần số 121,5 MHz, hoặc liên lạc khẩn cấp quốc tế ở tần số 243 MHz, để chuẩn bị xác minh danh tính và khai báo ý định với các chiến hạm Mỹ khi bay qua eo biển Hormuz, vịnh Ba Tư.

Máy bay của Iran có thể không kịp bổ sung 2 kênh liên lạc khẩn cấp này. Ngoài ra, một yếu tố khác góp phần làm cho mối đe dọa từ máy bay tăng lên, là việc máy bay Iraq bắn tên lửa chống hạm vào tàu chiến Mỹ khiến 37 thủy thủ thiệt mạng vào năm 1987.

Tham hoa IR655: May bay dan su bi nham la phi co chien dau hinh anh 3
Bản đồ đường bay và vị trí gặp nạn của chuyến bay IR655. Đồ họa: Wikipedia.
Cuối năm 1987, tàu chiến Mỹ và Iran xảy ra đấu súng trên biển. Tháng 4/1988, tàu khu trục USS Samuel B. Roberts trúng thủy lôi của Iran suýt chìm. Hải quân Mỹ tiến hành chiến dịch Praying Mantis để trả đũa khiến tình hình trên eo biển Hormuz trở nên hết sức nguy hiểm.

Mọi mục tiêu trên không xuất phát từ Iran đều trở thành mối đe dọa tiềm năng. Sân bay mà chuyến bay số IR655 cất cánh cũng là nơi hoạt động của các tiêm kích F-14 của Iran. Tất cả sự kiện đó biến một chiếc máy bay dân sự vô hại thành mục tiêu đe dọa tàu chiến Mỹ.

Ê kíp chiến đấu trên tuần dương hạm Vincenne đã phạm sai lầm nghiêm trọng trong việc nhận dạng mục tiêu. Tuy nhiên, sai lầm của họ được thúc đẩy từ những căng thẳng chính trị giữa Washington và Tehran. Chuyến bay IR655 vô tình đã trở thành nạn nhân xấu số trong tính toán của Mỹ tại Trung Đông.

Call Now