* Cũng tại Thái Lan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) Piyasvasti Amrannand; Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Amata Vikrom Kromadit và lãnh đạo Tập đoàn Central Group.
Phát biểu tại các cuộc tiếp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh các ý định đầu tư các dự án lớn của các doanh nghiệp Thái Lan tại Việt Nam. Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án này triển khai thành công. Riêng Tổ hợp lọc hóa dầu Nhơn Hội, Chính phủ đã có văn bản chấp thuận và cho phép triển khai các bước của Dự án đồng thời cũng chấp thuận đưa Dự án vào Quy hoạch phát triển ngành dầu khí Việt Nam. Đối với dự án của Tập đoàn Amata tại Quảng Ninh, Thủ tướng cho biết đây là dự án thuộc lĩnh vực được Việt Nam khuyến khích và đề nghị lãnh đạo Tập đoàn Amata làm việc với các Bộ, ngành của Việt Nam và tỉnh Quảng Ninh để triển khai Dự án. Với đề xuất của Central Group, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết sẽ giao các Bộ, ngành, cơ quan chức năng của Việt Nam sớm nghiên cứu để triển khai hợp tác.
* Tại Thủ đô Bangkok, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tới dự lễ khánh thành Phòng tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại Sứ quán Việt Nam tại Thái Lan.
Phát biểu với cán bộ đại sứ quán và đại diện bà con Việt kiều tại Thái Lan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao nỗ lực, kết quả công tác của Đại sứ quán trong việc triển khai các nội dung hợp tác đối tác chiến lược giữa hai nước, từ chính trị, ngoại giao; kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch; văn hóa, môi trường, hợp tác lao động; quốc phòng an ninh. Thủ tướng cũng đánh giá cao cộng đồng Việt kiều hơn 100 ngàn người tại Thái Lan đã đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau, nỗ lực vươn lên, hòa nhập tốt với xã hội sở tại, tuân thủ pháp luật, đóng góp cho sự phát triển của đất nước Thái Lan và cho tình hữu nghị và hợp tác giữa hai nước, đồng thời luôn hướng về quê hương, đất nước.
Thủ tướng cho biết Chính phủ hai nước đã ký Chương trình Hành động để triển khai quan hệ đối tác chiến lược. Hai bên đã đặt ra mục tiêu tăng kim ngạch thương mại từ 11 tỷ USD hiện nay lên 15 tỷ USD vào năm 2020. Thủ tướng cũng cho biết, với các dự án lớn đang triển khai, đầu tư của Thái Lan vào Việt Nam sẽ tăng mạnh từ mức gần 7 tỷ USD vốn đăng ký hiện nay lên mức 35 tỷ USD trong vài năm tới đây. Ngoài ra, hai bên cũng nhất trí đẩy mạnh hợp tác về du lịch và hợp tác về lao động với việc 2 Thủ tướng đã nhất trí sớm ký kết Hiệp định về hợp tác lao động nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho hơn 50 ngàn lao động Việt Nam đang làm việc tại Thái Lan. Thái Lan cũng ủng hộ Việt Nam khi cam kết cùng với Lào và Campuchia tiến hành nghiên cứu khoa học về nguồn nước Mekong trong khuôn khổ hoạt động của Ủy hội Mekong nhằm đảm bảo sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn nước sông Mekong.
Với đà tiến triển mạnh mẽ của hợp tác song phương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Đại sứ quán và bà con Việt kiều tiếp tục các nỗ lực thúc đẩy hợp tác hiệu quả, tăng cường sự tin cậy, ủng hộ lẫn nhau giữa Việt Nam và Thái Lan, đưa quan hệ song phương phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Trước đó, trong cuộc tiếp Chủ tịch Hội Hữu nghị Thái Lan – Việt Nam Prachuop Chayasan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh và đánh giá cao các hoạt động của Hội đã đóng góp thiết thực cho quan hệ hai nước. Cho rằng Hội là cầu nối, nhân tố thúc đẩy quan hệ song phương, nhất là tăng cường hoạt động giao lưu nhân dân, tăng cường tình hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau giữa người dân 2 nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Hội ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực của Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân 2 nước nhằm góp phần đưa quan hệ hai nước phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.