Saturday , 7 December 2024

Tiết lộ ngủ quên trong ca trực của nhân viên kiểm soát không lưu

Nhân viên kiểm soát không lưu là người chịu trách nhiệm cho sự an toàn của máy bay và hành khách, nhưng ít ai biết rằng công việc này khiến họ kiệt sức hoàn toàn cả về thể chất lẫn tinh thần.

Ron Connolly làm việc tại bộ phận kiểm soát không lưu – một công việc chỉ được ngủ 4 tiếng, hoặc ít hơn mỗi ngày. Anh đi làm trong tình trạng kiệt sức và không bao giờ được nghỉ ngơi đầy đủ giữa ca, thậm chí việc bắt đầu và kết thúc trong cùng một ngày trở thành điều hiếm hoi.

Sự cố nhân viên ngủ quên trong ca trực

“Tôi thực sự quá mệt mỏi, thậm chí là đau đớn”, Connolly nói. Ông đã nghỉ hưu cách đây 2 năm sau hơn 10 năm gắn bó và cống hiến tại Sân bay quốc tế Charleston, South Carolina, Mỹ.

“Việc phải giữ mình trong tình trạng tỉnh táo thực sự rất khó khăn”, ông nhớ lại những ca trực xuyên đêm khi bản thân là người duy nhất trong phòng điều khiển.

Kiểm soát không lưu làm nhiệm vụ gửi hướng dẫn đến máy bay giúp tránh va chạm và đảm bảo an toàn bay.
Kiểm soát không lưu làm nhiệm vụ gửi hướng dẫn đến máy bay giúp tránh va chạm và đảm bảo an toàn bay.

Vì thế, Connolly không hề tỏ ra ngạc nhiên khi có báo cáo cho rằng một số nhân viên kiểm soát không lưu đã ngủ gục trên bàn điều khiển, xu hướng mà theo Cựu Bộ trưởng Bộ Giao thông Mỹ, Ray LaHood là “hoàn toàn không thể chấp nhận”. Cục Hàng không Liên bang (FAA) cho biết họ sẽ cử thêm người trực ca đêm thay vì chỉ có một người như trước. Tuy nhiên, Hank Krakowski, nhân viên FAA phụ trách vận hành hệ thống kiểm soát không lưu do không chịu nổi áp lực đã từ chức chỉ một thời gian ngắn sau đó.

Một loạt vụ bê bối về việc người kiểm soát không lưu ngủ quên trong ca trực đã làm dấy lên lo ngại trong công chúng, nhưng theo lời Bob Richards, một nhân viên nghỉ hưu từng làm việc tại sân bay quốc tế O’Hare của Chicago trong suốt 22 năm, “điều này không có gì mới”. Nguyên nhân là do số lượng người học việc chiếm tỷ lệ cao, trong khi người làm việc lâu năm có xu hướng nghỉ việc nhiều hơn do không chịu nổi sức ép và thời gian làm việc căng thẳng.

Sức ép từ công việc

“Nhân viên kiểm soát không lưu là người chịu trách nhiệm cho sự an toàn của máy bay và hành khách. Họ được trả mức lương xứng đáng, nhưng luôn phải sống trong trạng thái căng thẳng mỗi khi máy bay cất cánh, chờ bay hoặc hạ cánh. Có những ngày căng thẳng đến mức bạn cảm thấy trái tim mình đập thình thịch trong suốt thời gian làm việc”, Connolly nói.

Cà phê là món đồ uống quen thuộc giúp nhân viên tỉnh táo trong ca đêm.
Cà phê là món đồ uống quen thuộc giúp nhân viên tỉnh táo trong ca đêm.

Thông thường, sân bay ở Mỹ chia làm 3 ca làm việc: 7h đến 15h, 15h đến 23h và từ 23h đến 7h sáng ngày hôm sau. Nhờ vậy, nhân viên có thể thích ứng với cả hai giai đoạn: buổi sáng và buổi tối là thời điểm bận rộn nhất trong khi ca đêm là thời gian có ít chuyến bay nhất.

Connolly nhớ lại đôi khi ông chỉ có 8 giờ để ngủ và chuẩn bị cho ca trực tiếp theo. Ví dụ như nếu ca trước kết thúc vào lúc 15h thì sẽ thật là khó khăn cho ông để bắt đầu ca trực tiếp theo vào lúc 23h.

Con người không phải là cái máy

“Tôi cũng không mấy khi có thể ngủ trong thời gian nghỉ giữa các ca”, Connolly nhớ lại. “15h vẫn còn là ban ngày, và tôi phải hoàn thành công việc của người đàn ông trong gia đình. Bạn không thể ngủ một mạch từ 15h đến 22h được, có rất nhiều việc khác cần phải hoàn thành”.

Một nghiên cứu của Học viện thuốc ngủ Mỹ (American Academy of Sleep Medicine) chỉ ra rằng nhân viên kiểm soát không lưu chỉ được ngủ trung bình từ 2-3 tiếng trước khi bắt đầu ca trực vào ban đêm. “Vì thế, thật khó để không cảm thấy buồn ngủ”, Connolly chia sẻ. “Nhất là khi con người không phải cái máy. Việc thức đêm ảnh hưởng tới nhịp sinh học và dẫn đến nhiều thay đổi trong thể chất, tinh thần và hành vi của cơ thể. Bạn sẽ luôn phải thích ứng với những nhịp sinh hoạt khác nhau và đó là nguyên nhân khiến con người luôn trong tình trạng kiệt quệ”.

“Vấn đề lớn nhất của nhân viên kiểm soát không lưu không phải việc họ ngủ quên trong ca trực mà là luôn phải làm việc trong tình trạng mệt mỏi”, Bill Voss, Chủ tịch – Giám đốc điều hành Quỹ An toàn bay cho biết. “Nếu một phi công quá mệt để bay, họ có quyền từ chối chuyến bay đó mà không bị trách phạt, nhưng người kiểm soát không lưu thì không. Họ không có quyền từ chối và vẫn phải tiếp tục làm việc. Hơn nữa, trạm kiểm soát không lưu luôn phải làm việc dưới cơ chế giám sát nghiêm ngặt nên cũng dễ hiểu tại sao ngày càng có nhiều người không muốn tiếp tục làm công việc này”.

Call Now