Trao đổi với VnExpress, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết báo cáo nêu trên vừa được hoàn thiện sau phiên họp ngày 24/2 của cơ quan này và các bên liên quan, trước khi Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại cuộc họp ngày 26/2 tới.
Trong khi đó, theo lãnh đạo Tổng công ty Cảng hàng không, thay đổi lớn nhất của tờ trình lần này là điều chỉnh vốn giai đoạn I. “Kinh phí dự kiến sẽ chỉ còn khoảng 6,6 tỷ USD, giảm hơn 1,2 tỷ USD so với báo cáo trình Quốc hội lần trước”, lãnh đạo Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) cho biết.
Theo vị này, kinh phí giảm xuống đáng kể là do chỉ xây dựng một đường cất-hạ cánh trong giai đoạn một, thay vì hai đường như kế hoạch trước đây. Thay đổi cách tính, không đền bù các phần đất trước đây thuộc quản lý quốc phòng, cũng như các hạng mục sẽ kêu gọi cổ phần hóa về sau, cũng giúp tiết kiệm khoảng 4.000 tỷ đồng.
Tổng giám đốc Tổng công ty Quản lý bay – Đinh Việt Thắng khẳng định sân bay Long Thành dù giảm về quy mô, chỉ còn một đường cất hạ cánh trong giai đoạn I vẫn có thể đảm bảo 254.000 lần cất hạ cánh mỗi năm. Do vậy, công suất tối đa có thể đạt 38 triệu lượt hành khách.
Chủ trì cuộc họp sáng 24/2, Bộ trưởng Đinh La Thăng lưu ý dự án đã trình Quốc hội cho ý kiến một lần nên tờ trình lần này phải tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu, các chuyên gia trong và ngoài nước…, qua đó xây dựng một dự án có căn cứ, hiệu quả. “Giải trình tiếp thu là để cho dự án tốt hơn, có chất lượng hơn, để khi triển khai sẽ đảm bảo theo đúng những gì đã chuẩn bị và có hiệu quả chứ không phải làm theo kiểu đói phó cho có”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát lại tổng mức đầu tư của Dự án, các hạng mục không cần thiết ở giai đoạn I, kêu gọi tối đa xã hội hóa đầu tư. “Đối với việc phần kỳ, phải chỉ rõ giai đoạn I chỉ đầu tư một nhà ga, một đường cất hạ cánh. Theo quy hoạch, theo chiến lược và nhu cầu đầu tư thực tế, sẽ quyết định thời điểm đầu tư tiếp”, người đứng đầu ngành giao thông yêu cầu.
Bộ trưởng cũng chỉ đạo 2 cơ quan chủ trì là ACV và Vụ Kế hoạch đầu tư hoàn chỉnh tờ trình để muộn nhất trong ngày 25/2, Bộ trưởng Giao thông thừa ủy quyền Chính phủ báo cáo Thường vụ Quốc hội, chuẩn bị cho lần thảo luận tại cơ quan thường trực Quốc hội vào phiên họp sáng 26 tới.