Đối mặt với tình huống một cơn bão đang hình thành trên trời, phi công chuyến bay QZ8501 của hãng AirAsia đã yêu cầu được nâng độ cao. Tuy nhiên yêu cầu này bị từ chối, với lý do có nhiều máy bay hoạt động trong khu vực. Không lâu sau đó, QZ8501 mất tích khỏi màn hình rađa.
Trong khi nguyên nhân khiến chiến QZ8501 bị rơi ở Indonesia hồi tháng trước vẫn đang được điều tra làm rõ, các chuyên gia chỉ ra rằng những thời khắc cuối trước vụ tai nạn đã cho thấy sự rủi ro của việc bay trong một vùng trời ngày càng đông đúc như ở Đông Nam Á.
Khu vực tăng trưởng hàng không mạnh nhất thế giới
Rủi ro càng tăng cao, trong bối cảnh tiêu chuẩn an toàn vẫn chật vật bám đuổi tốc độ tăng trưởng của ngành hàng không tại khu vực này.
Lĩnh vực hàng không ở Đông Nam Á đã có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trên thế giới trong mấy năm gần đây. Tại đó, các hãng hàng không Indonesia tăng trưởng cực nhanh nhờ nền kinh tế nội địa mạnh và sự xuất hiện của một tầng lớp trung lưu mới.
Giới quan sát nói rằng dù nhiều hãng hàng không đã có tiến bộ trong hoạt động đảm bảo an toàn, việc họ vẫn thiếu nhân lực được đào tạo kỹ lưỡng, cũng như tình trạng thiếu cơ sở hạ tầng để xử lý ổn thỏa số lượng máy bay ngày càng tăng lên, đã trở thành các vấn đề đáng quan ngại.
Shukor Yusof, sáng lập viên công ty nghiên cứu hàng không Endau Analytics có trụ sở ở Malaysia nói rằng Malaysia và Singapore đã bắt kịp với hoạt động đảm bảo an toàn hàng không. Tuy nhiên các nước khác, đặc biệt là Indonesia, vẫn chưa theo kịp.
“Họ (Indonesia) thực sự phải dành thêm thời gian và nỗ lực để phát triển các khả năng xử lý vấn đề an toàn” – ông nói, cho biết thêm rằng những lĩnh vực như huấn luyện, cơ sở hạ tầng và an toàn đều cần sự quan tâm chú ý.
Nhiều vấn đề gây quan ngại
Một số nhà phân tích lo ngại về khả năng kiểm soát tình hình của các cơ quan điều khiển không lưu ở Đông Nam Á, dù không có dấu hiệu nào cho thấy đây là nguyên nhân gây ra vụ rơi máy bay QZ8501 trong ngày 28/12/2014.
“Câu hỏi thực sự là tính chuyên nghiệp của cơ quan kiểm soát không lưu” – Greg Waldron, thư ký tòa soạn tạp chí Flightglobal ấn bản khu vực châu Á, nhận xét. Áp lực lên đài kiểm soát không lưu được cho là một trong những nguyên nhân khiến một máy bay chở khách hiệu Sukhoi của Nga đâm thẳng vào vách núi ở đảo Java của Indonesia hồi tháng 5/2012, làm 45 người thiệt mạng.
Mặc dù trong vụ tai nạn này, viên phi công có lỗi lớn do phớt lờ cảnh báo từ các thiết bị của máy bay, có một nguyên nhân khác là nhân viên kiểm soát không lưu ở Jakarta đã phải liên lạc cùng một lúc với 14 máy bay. Ngoài ra hệ thống rađa lạc hậu cũng không cảnh báo máy bay rằng nó đang bay quá thấp so với mức bình thường.
Số khác lo ngại về vấn đề văn hóa an toàn liên quan tới các cơ quan kiểm soát không lưu Đông Nam Á. Họ chỉ ra việc Việt Nam từng xảy ra sự cố mất an toàn bay liên quan tới đài điều khiển không lưu ở Đà Nẵng, khi một thực tập sinh được giao quyền điều khiển và đã khiến 2 máy bay suýt đâm nhau trên đường băng.
Một nỗi lo khác là tình trạng thiếu phi công chuyên nghiệp, trong bối cảnh các hãng hàng không đang mở rộng quy mô rất mạnh. Gần đây hãng hàng không giá rẻ Lion Air của Indonesia đã thực hiện 2 lệnh mua máy bay thuộc hàng lớn nhất thế giới, trị giá tới 46 tỷ USD. Theo Waldron, với việc mỗi chiếc máy bay cần tới 5-6 phi công để có thể làm việc liên tục, việc mua quá nhiều máy bay sẽ mang tới một “thách thức thực sự”.
Trong vụ tai nạn của QZ8501, phi công là người giàu kinh nghiệm, từng bay máy bay quân sự. Tuy nhiên trong các vụ tai nạn khác, tình trạng đào tạo chưa đầy đủ là một trong những nguyên nhân gây ra thảm họa.
Đây là trường hợp của một chiếc máy bay thuộc hãng Lion Air, nằm dưới sự điều khiển của một phi công non tay. Trong khi hạ cánh tại Bali hồi năm ngoái, chiếc máy bay đã trượt khỏi đường băng và lao xuống biển. Cú va chạm với mặt biển khiến máy bay gẫy làm đôi. May mắn thay, toàn bộ 108 hành khách và phi hành đoàn đã sống sót.
Không thể tăng an toàn nhờ giảm tăng trưởng
Một bộ phận giới quan sát cho rằng người ta không chỉ cần tới các phi công giỏi hơn, những người điều khiển không lưu xuất sắc hơn. Thay vì thế, ngành công nghiệp hàng không Đông Nam Á cần tới nhiều người có kinh nghiệm hơn, từ lực lượng bảo dưỡng cho tới kiểm tra an toàn.
Và bất chấp những quan ngại nêu trên, các chuyên gia nói rằng Indonesia thực tế đã tăng cường rất mạnh thành tích an toàn trong mấy năm gần đây, theo sau nhiều vụ tai nạn chết người.
Tất cả các hãng hàng không Indonesia từng bị cấm bay vào bầu trời Liên minh châu Âu hồi năm 2007. Nhưng nay một lượng nhỏ, gồm hãng hàng không quốc gia Garuda và hãng AirAsia đã có thể bay tới châu Âu.
Họ cũng bác bỏ ý kiến cho rằng chính quyền các nước Đông Nam Á nên hạn chế sự tăng trưởng của ngành hàng không. Theo họ, các quốc gia nên đầu tư nhiều hơn vào việc cải thiện hoạt động giám sát.
“Thực sự thì anh không thể ngăn chặn sự tăng trưởng” – Gerry Soejatman, chuyên gia phân tích hàng không ở Jakarta cho biết – “Ngành hàng không tăng trưởng nhờ nền kinh tế và ngược lại nó cũng nuôi dưỡng nền kinh tế”.